Có người còn phân chia rạch ròi ra 2 loại sách để đọc: một loại chỉ đọc để biết, nhớ đại khái và không cần ghi chép; một loại khác có liên quan mật thiết đến chuyên môn hay vì một nhu cầu nào đó, người đọc cần viết lại những ý chính, ghi lại tóm tắt nội dung, dẫn chứng hoặc vẽ thành những sơ đồ cho dễ nắm. Như vậy, vô hình chung, loại sách đầu người ta có thể đọc ở mọi lúc mọi nơi: trên xe buýt, phòng chờ, trên tàu hỏa, tàu điện ngầm, thậm chí nhà vệ sinh…; loại sách thứ hai phải được đọc bên bàn sách, giấy bút, trong không gian yên tĩnh ít người tụ tập.
Trong thực tế, tác dụng của việc đọc sách không chỉ dừng lại ở chỗ tiếp thu kiến thức mà đọc sách còn là một biện pháp để hoàn thiện mọi mặt của con người. Với ý nghĩa này, các loại sách văn hóa học, văn chương, lịch sử, triết học không chỉ là những loại sách thuần chuyên môn mà đã trở thành sách chung cho mọi người, cho xã hội. Do đó, sẽ rất thiếu sót nếu bạn nói rằng ‘Tôi là SV Thể dục thì cần gì đọc sách Văn học’, hay ‘Tôi là sinh viên Kinh tế cần gì đọc sách lịch sử’ và cho rằng những loại sách đó không thiết thực đối với công việc của bạn… Những cái lợi của chuyện đọc sách đã quá rõ ràng, thiết nghĩ không cần nhắc lại. Bên cạnh việc đọc sách để tiếp thu tri thức, việc đọc sách đôi khi còn rèn luyện cho bạn những kĩ năng, tình cảm và thói quen hữu ích mà đôi khi bạn không nhận ra.
1. Đọc sách giúp tăng cường khả năng giao tiếp:
Bạn có bao giờ thấy ngại ngùng khi đứng trước đám đông? Bạn có bao giờ run lẩy bẩy không biết diễn đạt ý mình như thế nào trước mọi người? Bạn có bao giờ nói vòng vo một vấn đề và cố gắng giải thích mà người khác vẫn không sao hiểu nổi?
Đọc sách thực chất là một quá trình giao tiếp, khi đó tác giả quyển sách và bạn là những nhân vật tham gia giao tiếp. Chỉ có điều quá trình giao tiếp này diễn ra 1 chiều, những vấn đề tác giả nói đến đi sâu vào trí não và hình thành tư duy ở bạn thế nhưng những suy nghĩ của bạn tác giả không hề biết được nếu bạn không viết thư hay gọi điện thoại phản hồi. Quá trình giao tiếp này giúp các bạn hiểu vấn đề, biết cách trình bày vấn đề theo chiều hướng triển khai hay khái quát hợp lý, cách lý luận hay dùng dẫn chứng chứng minh cho một luận điểm nào đó. Đọc sách một thời gian lâu, bạn sẽ biết trình bày vấn đề một cách khúc chiết, mạch lạc, suông sẻ, có đầu có đũa gọn gàng dễ hiểu.
Không chỉ vậy, nhờ loại hình giao tiếp đặc biệt này, bạn sẽ tinh tế hơn khi cảm nhận, phán đoán những cảm xúc, thái độ của người khác. Hình thành những phản xạ và sự nhạy cảm, linh hoạt cần thiết để xử lý vấn đề. Chẳng hạn, bạn biết nói bằng ngữ điệu thế nào, khi nào nói khi nào ngưng, khi nào đặt câu hỏi khơi gợi, khi nào pha trò tạo cảm hứng mới ở người tham gia giao tiếp…
2. Đọc sách giúp rèn luyện năng lực tưởng tượng, liên tưởng, sáng tạo:
Sách được viết bằng hệ thống ngôn ngữ, cụ thể là các chữ viết được nối kết liên tục với nhau tạo thành câu, dòng, đoạn, bài… Từ ngữ được dùng luôn có nghĩa, và nét nghĩa đó lại được quy chiếu vào các sự vật tương ứng trong cuộc sống. Thí dụ nói đến ‘tĩnh vật’ chúng ta nghĩ đến một loạt các đồ dùng hay cây trái được đặt trong trạng thái yên tĩnh, nói đến ‘quỹ đạo’ chúng ta nghĩ đến tập hợp những điểm tạo nên một con đường khép kín dành cho sự chuyển động của một thực thể nào đó, hoặc nói đến ‘hoa mai’ chúng ta nghĩ đến loại hoa nhiều cánh, nở vào mùa xuân, đẹp và mọi người thích thưởng thức… Như vậy, quá trình đọc sách thực chất cũng là một quá trình quan sát các sự vật và hiện tượng trong cuộc sống thực mà chữ viết được quy ước tượng trưng thông qua quá trình tưởng tượng, liên tưởng.
Rồi cũng có khi sự liên tưởng nảy sinh khi bạn so sánh những vấn đề đã được đọc trong sách này và sách khác, trong quan điểm của người này người khác, cái giống và khác nhau, tại sao lại có giống và khác như vậy… Trí tưởng tượng phong phú, suy nghĩ cặn kẽ, kết hợp với những động lực khám phá tìm tòi sẽ giúp bạn hình thành năng lực sáng tạo, nghĩ ra cái mới, tìm ra cái mới và từ đó làm ra cái mới.
Không có đọc sách, người ta khó có thể thực hiện được điều đó.
3. Đọc sách giúp rèn luyện năng lực ngôn ngữ:
Bạn thường viết sai chính tả và rất ngại viết vì sợ mọi người chọc. Bạn hay viết những câu không đúng ngữ pháp tiếng Việt, hoặc những câu cụtttt, câu quèèèè không đủ các thành phần chính. Cũng có thể bạn sử dụng những từ ngữ không hợp với đối tượng bạn muốn đề cập. Hoặc bạn có vốn từ vựng quá ít, không đủ để huy động ra trình bày sáng tỏ một vấn đề. Thậm chí bạn không hiểu rất nhiều từ ngữ trong tiếng Việt có nghĩa là gì vì bạn chưa hề nghe qua…
Việc đọc sách là biện pháp hữu hiệu nhất giúp bạn khắc phục những sai sót đó trong việc sử dụng ngôn ngữ. Bạn đọc một cuốn sách văn chương thấy tác giả dùng những từ ngữ rất hay để miêu tả bầu trời trong những trạng thái khác nhau. Bạn sẽ thấy những câu văn bắt đầu bằng chủ ngữ hay vị ngữ, bắt đầu bằng động từ hoặc tính từ mà vẫn đúng cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt. Bạn biết cách dùng những từ ngữ chuyển tiếp ‘như vậy’, ‘đương nhiên’ một cách khéo léo uyển chuyển để diễn đạt vấn đề. Bạn cũng sẽ bắt gặp những hình thức viết đúng của những từ ngữ mà bạn phân vân lưỡng lự không biết viết thế nào…
Và chính quá trình đọc sách lâu dài, sự tập trung và tinh ý sẽ giúp bạn hình thành những kĩ năng ngôn ngữ đó.
4. Đọc sách giúp sống tốt trong xã hội và làm người:
Đọc sách và sống tốt là hai việc xem ra chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng thực chất có sự tác động qua lại rất lớn.
Ai cũng biết, người biết suy nghĩ phải trái, biết lý lẽ là những người không sống tùy tiện. Mọi lời nói, suy nghĩ và việc làm của họ luôn hướng tới cái hay, cái đẹp; hướng tới lợi ích bản thân trong mối quan hệ với lợi ích chung của những người xung quanh. Cách sống đó là món trang sức quý giá nhất mà mỗi người tự trang bị cho mình thông qua học vấn, cụ thể là từ việc đọc sách.
Đọc sách thể dục thể thao, chúng ta biết rèn luyện sức khỏe dẻo dai bền bĩ hơn. Đọc sách triết học, chúng ta nhận ra những quy luật và những diễn biến ý thức hệ trong cuộc sống, từ đó hình thành cách nhìn và cách nghĩ của bản thân. Đọc sách vật lý chúng ta hiểu biết về quy luật vận động của thế giới tự nhiên hơn, từ đó ứng dụng vào cuộc sống. Đọc sách văn học để hình thành cảm xúc, thái độ hợp lý trước mọi cảnh ngộ, cuộc đời; xây dựng đời sống hài hòa, nhân văn, có chiều sâu… Tóm lại, sách đem đến cho con người một cuộc sống tốt đẹp, hòa hợp giữa bản thân với cộng đồng, môi trường xung quanh, xã hội và cả nhân loại.
Dĩ nhiên, những điều được trình bày phía trên không phải là tất cả những lợi ích mang lại của việc đọc sách. Chúng ta còn có thể thấy, người đọc nhiều sách có kiến thức sâu rộng, hội tụ nhiều năng lực, lời nói có cơ sở và có uy tín nên được mọi người lắng nghe, xem trọng… Nhưng ai cũng biết, đọc sách trước tiên là để giúp mình càng tốt hơn.
Nguồn tin: http://lib.ueh.edu.vn